Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận Luật Đất đai
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, hôm nay (21/6), Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Trước đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 9/6.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo luật này đến nay nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.
Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Một điểm mới của dự thảo luật này là bỏ khung giá đất, áp dụng bảng giá đất mới từ năm 2026. Theo đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để bảo đảm giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.
Tuy nhiên, dự thảo Luật bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.
Liên quan đến việc thu hồi, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa; quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.
Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 78; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 81; quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư.