Menu  Danh mục

Bài viết

Bãi cọc Cao Quỳ: Phát hiện khảo cổ có giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, giáo dục

Những phát hiện mới về bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã là một điểm nhấn đầy ấn tượng của thành phố Hải Phòng trong năm qua. Đó không chỉ là phát hiện, nghiên cứu khoa học có giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, giáo dục mà còn là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển con người và thành phố trong tương lai

Theo dòng lịch sử, dòng Bạch Đằng giang đã gắn liền với những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Sông Bạch Đằng đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20 km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy.

Trên dòng sông này, vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam, mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc Việt Nam. Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán bằng một trận chiến chỉ trong một ngày trên dòng sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã chọn sông Bạch Đằng để tổ chức trận chiến mang tính quyết định, đánh bại quân xâm lược Tống, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ trên toàn bộ dòng sông Bạch Đằng, tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông, với gần 600 chiến thuyền, 40.000 quân, do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc.

Trong cả 3 trận chiến hào hùng đó, địa phận thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay là một trong những địa bàn trọng yếu. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh.

Trong 3 trận chiến đó, quân và dân Hải Phòng đã tham gia rất tích cực, đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần làm nên các chiến thắng vẻ vang trên dòng sông lịch sử. Điều trùng hợp rất đặc biệt là cả 3 chiến thắng đều gắn liền với một trận địa độc đáo - trận địa cọc gỗ.

Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng đều rất mong muốn tìm thấy một phần của  trận địa cọc năm xưa trên mảnh đất Hải Phòng.

Trên cơ sở phát hiện của người dân khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về 2 cây gỗ nằm trong lòng đất cùng những bãi cọc lớn, các chuyên gia lịch sử hàng đầu cùng các Bộ, ngành liên quan thuộc trung ương, thành phố đã nhanh chóng tiến hành khảo sát, nghiên cứu di tích bãi cọc

Theo các nhà sử học xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Yên Hưng, nay là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, có nền văn hóa mang nét đặc sắc riêng của vùng đất ven sông Bạch Đằng. Đây cũng là nơi chứng kiến những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc. Cuối thế kỷ XIII, Tổng Trúc là căn cứ thủy quân lớn của nhà Trần. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã về đây lập căn cứ chỉ huy trận chiến Bạch Đằng. Đây cũng là nơi diễn ra trận Trúc Động oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Kết quả khai quật lần này đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng. Chúng được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm. Các cọc chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.

Kết quả khai quật cũng cho thấy, đây đơn thuần là trận địa, không phải là kiến trúc nhà cửa để cư trú vì các cọc không có sự liên kết và đặc biệt không phát hiện được bất cứ di tích, di vật nào như đồ gốm sứ, các vật dụng sinh hoạt khác nhau và tàn tích thức ăn trong khu vực bãi cọc. Và hệ thống cọc đều nằm ở trong lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông.

Theo người dân địa phương, lạch nước chảy phía Bắc cánh đồng Cao Quỳ trước đây rộng và lớn hơn. Khoảng 20 năm trước, người dân địa phương mới đắp bờ thu hẹp dòng chảy như hiện nay để mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp. Quan sát trên bản đồ vệ tinh có thể nhận thấy dòng chảy này phía Bắc mở cửa thông với sông Đá Bạc, chảy về phía Nam đến khu vực núi Điệu Tú tách thành hai nhánh. Một nhánh chảy vào khu vực làng Mai Động, một nhánh chảy qua phía Nam núi Điệu Tú, qua địa phận các xã Lưu Kỳ, Lưu Kiếm… rồi đổ vào sông Giá.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 3, sau một thời gian ngắn dốc lực “đánh nhanh thắng nhanh” đếm đầu tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan không còn con đường nào khác phải rời bỏ Thăng Long chuyển quân về căn cứ phòng thủ Vạn Kiếp. Rồi từ đây, lấy danh nghĩa “bảo toàn lực lượng”, Thoát Hoan quyết định chia làm 2 đạo quân theo 2 đường thủy bộ rút về Trung Quốc. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí lực lượng quân đội phối hợp với dân binh địa phương đánh địch trên suốt đường rút lui từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng.

Từ kết quả khai quật cổ học, kết quả xác định niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ phát hiện được, cùng với các nguồn tư liệu lịch sử, các nhà khoa học bước đầu cho rằng di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần. Trận địa này được dùng để chặn giặc không cho chúng tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng. Toàn bộ binh thuyền của quân giặc phải theo sông Đá Bạc để tiến xuống sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của ta ở vùng cửa sông Bạch Đằng - nơi được chọn làm trận địa quyết chiến, chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy trên đường rút chạy.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nhấn mạnh: Bãi cọc gỗ được khai quật tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông. Từ đó mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, giúp có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng mà thành phố Hải Phòng đã đề cao trong thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ được tổ chức vào sáng 21/12/2019

Tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được tổ chức vào sáng 21/12/2019, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Việc phát hiện, khai quật được các bãi cọc Bạch Đằng - chứng tích một phần của các trận địa năm xưa có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Đây chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau. Đồng thời nhấn mạnh, cần xác định rõ, đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, không chỉ vững mạnh về kinh tế - xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nguồn: https://haiphong.gov.vn/TIN-TUC-SU-KIEN-NOI-BAT/Bai-coc-Cao-Quy-Phat-hien-khao-co-co-gia-tri-to-lon-ve-lich-su-van-hoa-giao-duc-53315.html